Danh mục
Trang chủ / Tin Tức Thời Sự / Hiểm họa từ toa thuốc tự làm… bác sĩ

Hiểm họa từ toa thuốc tự làm… bác sĩ

Hiểm họa từ toa thuốc tự kê

tu-lam-bac-sy

“Hồi tháng trước, tôi bị nổi mày đay do dị ứng thức ăn, bác sĩ (BS) cho mấy loại thuốc này. Hiện nay, bệnh viện (BV) nhi đông lắm, mua thuốc về uống cho tiện” – chị M. phân trần. Không ngờ, đến hôm sau, bệnh của bé lại diễn tiến nặng nề hơn, trên hồng ban xuất hiện mụn nước, ăn uống không được và sốt cao. Lúc này chị mới tá hỏa đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 TPHCM.

“Đâu ngờ cháu bị bệnh tay chân miệng, BS nói lên đến độ 2B, nhập viện trễ nên suýt nữa thì nguy, thậm chí mấy viên thuốc tôi mua cho cháu còn làm cho bệnh nặng thêm vì không hợp với trẻ em và quá liều” (chị M. đã mua theo toa BS kê cho mình – dành cho người lớn). Rất may, sau vài ngày điều trị, bệnh của con trai chị đã thuyên giảm.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc kiêm Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi Đồng 1, cho biết: BV đã nhiều lần tiếp nhận các cháu bé bị ngộ độc, dị ứng thuốc hay rơi vào tình trạng nguy hiểm vì không được điều trị đúng bệnh kịp thời.

Thường gặp là ngộ độc thuốc chống nôn Metoclopramide. “Thuốc này được bán dưới dạng viên 10 mg, trong khi liều dùng phù hợp là 0,1 mg/kg trọng lượng cơ thể. Nhiều bé chỉ nặng khoảng hơn 10 kg, người nhà bẻ 1/4 hay 1/2 viên cho uống đã là quá liều rất nhiều. Trẻ uống thuốc này quá liều sẽ ưỡn cổ, trợn mắt, ưỡn người, gồng, tăng trương lực cơ…” – BS Tiến giải thích.

Đáng lo ngại nhất là các trường hợp liên quan đến kháng sinh. Ví dụ, ngộ độc do các kháng sinh thuộc nhóm Sulfamide như thuốc Bactrim sẽ gây ra hội chứng Stevens Johnson. Hội chứng này gây tổn thương da và niêm mạc nghiêm trọng, nổi hồng ban đa dạng; bóng nước rải rác toàn thân; viêm loét niêm mạc mắt, mũi, miệng, đường tiểu, hậu môn…, bệnh diễn tiến rất nhanh và có thể tử vong. Một số loại kháng sinh khác gây các phản ứng phản vệ khá nặng như nổi mày đay khắp nơi, phù mặt, phù miệng, đau bụng, nôn ói, co thắt đường thở…, thậm chí là sốc phản vệ. “Sốc phản vệ do kháng sinh rất nguy hiểm, có thể tử vong nếu không kịp cấp cứu” – BS Tiến cho biết.

Trẻ em không phải “người lớn thu nhỏ”

PGS-TS-dược sĩ Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ BV TPHCM, cảnh báo: “Cần hiểu trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ; hệ thống giải độc gan, chức năng thận của các em chưa hoàn chỉnh nên các loại thuốc dành cho trẻ em sẽ có các tá dược phù hợp. Cần phân biệt thuốc dành cho trẻ em và thuốc dành cho người lớn, không phải cứ chia liều viên thuốc dành cho người lớn ra là dùng được cho trẻ em. Thuốc của trẻ em có thể dùng cho người lớn nhưng ngược lại thì không ”.

PGS-TS Tuấn cũng lưu ý việc nhiều phụ huynh bẻ, nghiền, mở vỏ nang thuốc ra, hòa lẫn thuốc với đường, các loại nước trái cây, sữa… để trẻ dễ uống sẽ gây nên các tác hại không mong muốn. Dễ thấy nhất là liều lượng thuốc không đúng vì chia liều bằng tay và mắt thường thì không thể chuẩn xác. Bên cạnh đó, mỗi viên thuốc được sản xuất dưới dạng viên nén, viên bao phim hay viên nhộng đều có mục đích riêng.

“Chẳng hạn kháng sinh Tetracyclin gặp phải canxi trong sữa sẽ gây ra tình trạng “khóa thuốc” và bất hoạt (mất tác dụng). Một số kháng sinh khác sẽ hỏng khi gặp phải axít trong nước chanh, nước cam…; một số thuốc kháng viêm không steroid được sản xuất dưới dạng viên bao phim, bao tan trong ruột, nếu bị bẻ ra thì sẽ tan trong dạ dày, làm phá hủy niêm mạc dạ dày và mất tác dụng”  – ông ví dụ.

Theo nld.com.vn