(Trung cap duoc) – Sự phát triển ngôn ngữ của bé thường trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nếu bé đột nhiên mất kỹ năng giao tiếp trong vài ngày hoặc có dấu hiệu chậm nói, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo sự chậm phát triển ngôn ngữ ở bé (1-4 tuổi):
Giai đoạn 12-18 tháng tuổi
– 12 tháng tuổi, bé không có khả năng sử dụng những cử chỉ ngôn ngữ như vẫy tay hoặc lắc đầu. Bé không thể phát ngôn một vài phụ âm như b hay p. Bé cũng hiếm khi bày tỏ sự quan tâm khi được cha mẹ trò chuyện.
– 15 tháng tuổi, bé không biết cách phản ứng khi bạn nói “không” hoặc “tạm biệt”. Bé không thể nói ít nhất từ 1 đến 3 từ. Bé cũng không thể phát âm được cụm từ đơn giản như “baba”, “mama”.
Giai đoạn 19-24 tháng tuổi
– Khoảng 19-20 tháng tuổi, bé không thích chỉ tay vào nhóm đồ vật thú vị như con chim hoặc những quả bóng bay trên đầu. Bé không có khả năng nói, ít nhất được 6 phụ âm.
– 21 tháng tuổi, bé không có phản ứng với những chỉ dẫn đơn giản.
– 24 tháng tuổi, bé không thể bắt chước ngôn ngữ hoặc hành động từ người đối diện. Bé cũng không biết chỉ tay vào những đồ vật được minh họa trong một cuốn sách. Không biết ghép 2 từ đơn thành một từ ghép. Bé không tự nhận biết được chức năng của những vật dụng gần gũi trong nhà như điện thoại, thìa ăn cơm, bàn chải đánh răng…
Giai đoạn 25-36 tháng tuổi
– 26 tháng tuổi, bé không thể nói một câu đơn hoàn chỉnh.
– 30 tháng tuổi, bé không có khả năng gọi tên ít nhất 3 phần trên cơ thể. Bé cũng không thể nhận diện những thành viên trong gia đình mình.
– 32 tháng tuổi, bé rất khó khăn khi bắt chước một bài hát hoặc một giai điệu vui nhộn.
– 36 tháng tuổi, bé không biết đặt câu hỏi “Tại sao”. Bé cũng không thể gọi tên những đồ vật quen thuộc trong nhà.
Giai đoạn 3-4 tuổi
– 3 tuổi, bé không thể nói một đoạn ngắn. Bé cũng không thể hiểu những chỉ dẫn đơn giản. Bé không thích vui chơi với nhóm bạn cùng tuổi. Đồng thời, bé cực kỳ khó khăn khi phải tạm xa cha mẹ.
– 3 tuổi rưỡi, bé khó khăn trong việc phát âm chuẩn.
– 4 tuổi, bé thường không hiểu hết ý nghĩa của từ và bị nói lắp liên tục.
(Theo Mẹ và bé)