Tăng viện phí, người bệnh vẫn đóng thêm tiền!
Dù Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định người bệnh không phải đóng thêm bất kỳ một khoản tiền nào khi tăng viện phí (ngoại trừ phần đồng chi trả, các chi phí vật tư và hóa chất chưa tính vào giá) nhưng thực tế là người bệnh vẫn phải trả một khoản chênh lệch lớn do bệnh viện sử dụng các thiết bị được đầu tư dưới hình thức xã hội hóa để phục vụ người bệnh BHYT.
Bệnh nhân N.V.X. (58 tuổi, mắc chứng sụt cân không rõ nguyên nhân, không kiểm soát được tinh thần, có tiền sử uống nhiều rượu) đã vào khám ở bệnh viện Bạch Mai và được chỉ định chụp MRI sọ não (chụp cộng hưởng từ) do bác sỹ nghi bệnh nhân bị teo não do tuổi già, kết hợp với tiền sử uống rượu trong nhiều năm.
Để được thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân X. được thông báo phải đóng 1,8 triệu đồng (chụp MRI không có thuốc cản quang). Do đến thẳng bệnh viện Bạch Mai nên bệnh nhân chỉ được hưởng 30% BHYT, còn lại phải tự chi trả 70%.
Tuy nhiên, thực tế ngoài phần phải trả (70% theo giá được quy định), bệnh nhân này còn phải trả thêm 300.000 đồng tiền chênh lệch và phần chênh lệch này được giải thích là do “giá của BHYT thấp hơn giá thu thực tế của bệnh viện”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kỹ thuật MRI được BHYT thanh toán 1,5 triệu đồng/lần chụp. Trong khi đó, nếu là máy chụp được Nhà nước đầu tư thì không có vấn đề gì phát sinh. Nhưng nếu là máy do bệnh viện liên kết với công ty tư nhân đầu tư, đặt trong bệnh viện thì giá thu là 1,8 triệu đồng/lần chụp (không có thuốc cản quang) và 2,5 triệu lần chụp (nếu có thuốc cản quang).
Do vậy, ngoài phần phải đồng chi trả (70% của 1,5 triệu đồng, tức 1.050.000 đồng), bệnh nhân này còn phải trả thêm 300.000 đồng tiền chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Như vậy, bệnh nhân đã phải trả tiền 2 lần khi sử dụng một dịch vụ.
Tương tự, kỹ thuật chụp CT-Scanner cũng đang mắc phải vấn đề này. Theo quy định về giá viện phí mới, chụp CT Scanner đến 32 dãy (chưa bao gồm thuốc cản quang) được BHYT thanh toán 500.000 đồng, có thuốc cản quang được thanh toán 870.000 đồng.
Nhưng nếu kỹ thuật này được thực hiện trên máy do tư nhân liên kết với bệnh viện để đầu tư thì giá cao hơn hẳn: 800.000 đồng (không có thuốc cản quang) và 1 triệu đồng (có thuốc cản quang).
Như vậy, ngoài phần đồng chi trả (5-20%), bệnh nhân còn phải trả thêm từ 200-270 ngàn đồng) tiền chênh lệch do sử dụng máy liên kết!
Tình trạng này hiện đang xảy ra phổ biến ở các bệnh viện tuyến Trung ương. Tại bệnh viện K, mỗi lần chụp CT-Scanner, người bệnh cũng phải trả 2 lần tiền như trên do toàn bộ các máy CT-Scanner đặt trong bệnh viện này đều là máy “xã hội hóa” (do tư nhân liên kết với bệnh viện để đặt vào rồi chia % với bệnh viện, do đó, giá cả sẽ do hai bên thỏa thuận và thường cao hơn 1/3 giá của BHYT thanh toán).
Thực chất, người bệnh BHYT đang phải trả giá do nhà cung cấp máy móc yêu cầu.
Bệnh nhân không phải trả thêm tiền, nhưng …
Trước khi tăng viện phí, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam – BHXHVN) khẳng định các bệnh viện (ở tất cả các tuyến) không được thu thêm bất cứ một khoản nào của người bệnh (dưới bất kì hình thức nào).
Lý giải điều này, ông Sơn nói: “Khung giá mới dù vẫn chỉ tính một phần viện phí (nghĩa là chỉ tính các yếu tố trực tiếp dùng để khám chữa bệnh như bông băng, găng tay, vật tư tiêu hao, vv … nhưng một phần đó đã được tính đúng tính đủ. Vì thế, bệnh viện không có cơ sở nào để yêu cầu người bệnh phải nộp thêm tiền”.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đồng thuận với quan điểm này của phía BHXH Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh khi tăng viện phí. Nhưng đến khi thực hiện thì vấn đề “xã hội hóa” đã khiến chuyện bệnh nhân phải đóng 2 lần tiền phát sinh.
Theo quy định, người bệnh không phải trả thêm bất kì khoản tiền nào khi tăng viện phí. Tuy nhiên, do thực hiện xã hội hóa nên một số vấn đề đã phát sinh, trong đó có việc người bệnh BHYT vẫn phải trả giá dịch vụ theo giá nhà cung cấp thiết bị đưa ra. Giá này cao hơn giá được BHYT thanh toán và người bệnh phải trả phần chênh này
Trước thực trạng các bệnh viện tuyến trung ương có đặt máy của tư nhân và thu giá cao hơn giá do BHYT chi trả, ông Phạm Lương Sơn cho biết theo quy định thì Giám đốc bệnh viện được quyết định giá thu đối với các dịch vụ được thực hiện bởi máy móc đầu tư dưới hình thức xã hội hóa.
Và mức thu mà các bệnh viện đưa ra hiện nay (đối với máy liên kết) là không sai so với quy định hiện hành (bởi họ được tự định giá). Tuy nhiên, thực tế là giá hạch toán của BHYT với giá hạch toán của bệnh viện đối với các máy xã hội hóa đang có sự chênh lệch và trách nhiệm giải quyết vấn đề này thuộc về Bộ Y tế.
Trong khi đó, trong công văn số 2210 ngày 16/4 của Bộ Y tế gửi các bệnh viện, hướng dẫn triển khai giá viện phí mới, Bộ Y tế cũng đã bày tỏ rõ quan điểm về vấn đề người bệnh phải trả 2 lần tiền.
Theo đó, Bộ Y tế khẳng định: Cơ sở khám chữa bệnh không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong cơ cấu giá và được cấp thẩm quyền phê duyệt (trừ các chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá, phần đồng chi trả (5-20%) theo quy định của người bệnh có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu).
Như vậy, đối với những trường hợp bệnh nhân BHYT sử dụng dịch vụ do máy móc được đầu tư dưới hình thức xã hội hóa thì họ phải chấp nhận trả tiền 2 lần ngay cả khi viện phí đã tăng và các yếu tố cấu thành giá trong lần tăng giá này đã được tính đúng, tính đủ.
Ăn chia theo tỷ lệ %
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, hình thức liên kết công – tư (cá nhân, doanh nghiệp, …) diễn ra rất phổ biến trong các bệnh viện công lập. Các doanh nghiệp sẽ đặt máy vào bệnh viện và tỷ lệ ăn chia với bệnh viện là 60%-40% (trước đây doanh nghiệp được 70%, bệnh viện được 30% nhưng nay tỷ lệ này đã thay đổi).
Khi liên kết, theo quy định, các bệnh viện và doanh nghiệp tự thỏa thuận giá sao cho “đảm bảo quyền lợi của bệnh viện, đối tác liên kết và người bệnh”. Tuy nhiên, hiện nay người bệnh đứng giữa đang phải chịu thiệt thòi.
Nguồn: Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn