Danh mục
Trang chủ / Tin Tức Thời Sự / Bệnh viện không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau

Bệnh viện không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau

Thiếu trang thiết bị y tế đạt chuẩn, thủ tục xét nghiệm còn rườm rà, mất thời gian, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu, là những vấn đề được các chuyên gia y tế mổ xẻ tại hội thảo “Tăng cường chất lượng công tác quản lý và nâng cao chất lượng xét nghiệm y khoa” được Bộ Y tế tổ chức sáng 9/1.

Bệnh viện làm khổ bệnh nhân

Một thực tế đáng lo hiện nay là tình trạng các bệnh viện (BV) không chấp nhận kết quả của nhau khiến người bệnh đến BV nào cũng phải làm lại xét nghiệm từ đầu. Vấn đề không chỉ là phiền toái, mất thời gian, mà còn ảnh hưởng đến túi tiền người bệnh.

PGS.TS Hoàng Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam chỉ rõ: “Nguyên nhân chính của vấn đề này là các BV không tin tưởng kết quả của nhau do phòng xét nghiệm chưa được chuẩn hóa. Bên cạnh đó là vấn đề lợi nhuận, dẫn đến lạm dụng xét nghiệm, nhất là y tế tư nhân và dịch vụ của Nhà nước”. Vì vậy, theo ông Sơn cần phải có lộ trình tiến tới công nhận kết quả xét nghiệm của phòng xét nghiệm đã được kiểm chuẩn, kiên quyết chống lạm dụng xét nghiệm. Để làm được điều này, trước tiên cần đào tạo người quản lý, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa hóa sinh, huyết học và truyền máu, vi sinh, tế bào học.
xet nghiem
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm nâng cao năng lực, mở rộng phạm vi của công tác này; đồng thời, khuyến khích các phòng xét nghiệm phấn đấu để được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO 15189 (theo thống kê, hiện nay cả nước đã có 29 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn này).

Kẽ hở cho thiết bị “quá đát”

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cho biết, việc nhập khẩu trang thiết bị y tế cũ là hành động gian lận thương mại nghiêm trọng vì đây là hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến chẩn đoán, điều trị bệnh nhân. Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 12/2006/NĐ- CP hướng dẫn Luật Thương mại, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Mặt hàng này khi nhập phải đảm bảo mới 100%. Doanh nghiệp khi nhập khẩu phải thực hiện đúng các quy định về nhập khẩu trang thiết bị y tế và chịu trách nhiệm về số lượng, trị giá và chất lượng các mặt hàng nhập khẩu theo giấy phép đã được cấp.

Nhưng liên tiếp gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều mặt hàng thiết bị y tế “quá đát” được nhập khẩu về Việt Nam làm dấy lên lo ngại về chất lượng xét nghiệm, điều trị. Bức xúc trước việc này, ông Hà Đắc Biên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thiết bị y tế Việt Nam cho biết, hiện thiết bị y tế có trên 80% phải nhập ngoại, trong khi điều kiện được phép kinh doanh mặt hàng này lại rất lỏng lẻo. Chỉ cần vốn pháp định 200 triệu đồng là có thể thành lập công ty buôn bán thiết bị y tế với đủ chủng loại.

xet-nghiem-y-khoa
xét nghiệm y khoa

Còn theo Phó Chủ tịch Hội Y học Hà Nội Bùi Thị Hiệp, trong 97 phòng khám (PK) đa khoa trên địa bàn Hà Nội chỉ có 12 PK có máy mới, còn lại đều sử dụng máy móc cũ. Theo qui định, tất cả PK có từ 3 chuyên khoa trở lên bắt buộc phải có bộ phận xét nghiệm, được đầu tư trang thiết bị y tế đáp ứng chuyên ngành, nhưng hầu hết không đủ điều kiện. “Vì vậy, họ đã “đối phó” bằng cách thuê máy, mượn máy, thậm chí, bỏ ít tiền ra mua máy cũ, máy đã qua sử dụng rẻ tiền. Nếu dùng những thiết bị cũ này trong khám chữa bệnh sẽ rất nguy hiểm, có khả năng gây sai sót, nhầm lẫn trong việc khám và chẩn đoán bệnh” – bà Hiệp nói.

Trước thực trạng đáng lo này, Bộ Y tế đã có Dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế. Nhiều ý kiến đề xuất Nghị định cần xây dựng theo hướng quản được chất lượng, truy được trách nhiệm, tránh trường hợp tiếng là có luật nhưng vẫn có kẽ hở cho thiết bị “quá đát” tuồn vào Việt Nam.

Tin gốc