Danh mục
Trang chủ / Tin Tức Thời Sự / Bộ Y Tế kêu gọi ngành y thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc

Bộ Y Tế kêu gọi ngành y thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc

Người Việt quay lưng với thuốc nội

hieu-thuoc

Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 50% nhu cầu chữa bệnh, nhiều loại không thua kém hàng ngoại. Tuy nhiên, bác sĩ không kê toa, hoặc nhiều khi kê thì lại bị người bệnh chê “thuốc rẻ tiền khỏi bệnh làm sao được”.

Con kêu đau tai, chảy nước mũi, chị Thoa ở Gia Lâm, Hà Nội liền đưa đi khám. Cháu được chẩn đoán bị viêm xoang, viêm tai, viêm họng kèm theo một đơn thuốc gồm 6 loại: kháng sinh, siro, long đờm… Cả 6 loại đều là thuốc ngoại.

“Chỉ một lần đi khám mà riêng tiền thuốc đã mất gần 700.000 đồng, mình thấy xót nhưng cũng chấp nhận. Thà dùng thuốc ngoại, đắt tiền nhanh khỏi còn hơn là thuốc nội, rẻ thì rẻ thật đấy nhưng uống mãi mà không khỏi thì càng quá tội”, chị Thoa nói.

Cũng giống như chị Thoa, rất nhiều người dân Việt đều cho rằng thuốc ngoại bao giờ cũng tốt hơn thuốc nội, dù có cùng thành phần.

Khảo sát của VnExpress.net tại một số hiệu thuốc cho thấy, đa phần người bệnh vẫn chưa tin dùng thuốc nội.

Chị Linh, nhân viên tại một hiệu thuốc trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, đa phần đơn thuốc bác sĩ kê đều là thuốc ngoại. Trong khi đó tâm lý của người bệnh thì nhất nhất phải mua được thuốc đấy, dù thuốc có cùng thành phần, rẻ hơn cũng không thích. Thậm chí có trường hợp cửa hàng bán thuốc nội, giá rẻ quá họ lại kêu “Thuốc rẻ thế này thì liệu có hiệu quả không?”.

“Dân mình không thích thuốc Ấn Độ, Thái Lan vì nghĩ cũng chỉ tương đương như Việt Nam, thích nhất là của Pháp, sau đó Anh. Nói chung người đến mua thuốc thì mình đều tư vấn, những trường hợp không có khả năng chi trả thì dùng thuốc nội cũng tốt, giá rẻ hơn”, chị Linh nói.

Thế nhưng dù tư vấn với người bệnh như vậy nhưng chị Linh cũng phải thừa nhận bản thân vẫn tin tưởng vào chất lượng của thuốc nhập hơn. “Hồi sinh viên khi ốm không có tiền thì mình mua thuốc nội, còn giờ thì sẽ chọn thuốc ngoại, không dùng loại đắt hẳn, mà dạng bậc trung thôi”.
Một dược sĩ khác tại một hiệu thuốc ở Đội Cấn, Hà Nội, cho biết, nhiều khi không có thuốc ngoại, tư vấn dùng thuốc nội thì có người dùng, có người không. Có người bảo người Việt Nam thì dùng hàng Việt Nam, nhưng có người chỉ nghe đến thuốc của Việt Nam là đã không thích.

“Thông thường, nếu một người đến mua thuốc thì mình sẽ hỏi mua loại đắt tiền hay rẻ tiền, tùy theo lựa chọn của người bệnh. Thông thường thuốc trong nước rẻ hơn, còn chất lượng thì nói chung cũng tùy. Nhưng theo mình thì tiền nào của nấy”, dược sĩ này cho biết.

Không chỉ người dân mà ngay cả các bác sĩ trong nghề cũng tỏ ra băn khoăn về chất lượng cũng như sự đa dạng của thuốc sản xuất trong nước. Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến trung ương mới chỉ chiếm khoảng 12% tổng số tiền sử dụng thuốc. Tại tuyến huyện cao nhất cũng chỉ chiếm gần 62%.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Chất lượng của nhiều loại thuốc nội chưa ngang bằng với thuốc nhập. Chúng tôi ưu tiên sử dụng thuốc nội nhưng nói gì thì nói lựa chọn sử dụng thuốc nào thì tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất vẫn phải là an toàn, hiệu quả sau đó mới nói đến chuyện giá cả”.

Theo ông để vận động người dân sử dụng thuốc trong nước thì điểm mấu chốt là đẩy chất lượng thuốc nội tốt lên. Ngoài ra, cần tuyên truyền đặc biệt với bác sĩ – người kê đơn, làm sao uống thuốc đấy khỏi bệnh, nhưng hợp túi tiền. Không phải trường hợp nào cũng kê thuốc ngoại mà tùy vào khả năng chi trả của người bệnh. Sau đó, cũng phải tuyên truyền đến người dân.

Ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí, Quảng Ninh thừa nhận, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở khám chữa bệnh còn chiếm tỷ lệ thấp. Chủng loại mặt hàng tuy đa dạng, khoảng 520 hoạt chất, nhưng chưa có nhiều thuốc chuyên khoa như tim mạch, tiểu đường nên dù cơ sở muốn ưu tiên sử dụng nhưng trong nước chưa sản xuất được.

Thực tế cả nước hiện có gần 180 doanh nghiệp sản xuất thuốc. Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu vẫn là nhóm chống nhiễm khuẩn (kháng sinh), sau đó là vitamin, thuốc bổ… Các thuốc chuyên khoa như tâm thần, tim mạch, hoóc môn, ung thư, kháng virus, nhóm thuốc tê, thuốc mê vẫn còn khá khiêm tốn.

Ngoài ra, theo ông Tiệp, 90% nguồn nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài cũng là một khó khăn cho các cơ sở điều trị trong việc đánh giá chất lượng của thuốc nội. Theo nguồn của Tổng cục Hải quan năm 2010 thì nước ta nhập nguyên liệu dược nhiều nhất là từ Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Italia…

quay-ban-thuoc

Trước thực tế này, ngày 20/8, Bộ Y tế đã tổ chức diễn đàn Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam.

Ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng trong nước đang thiếu thông tin về thuốc nội, giá cả, chất lượng. Bên cạnh đó cũng phải nói đến tâm lý thích dùng hàng ngoại của người bệnh.

Trong khi đó, giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội cho rằng để người bệnh, bác sĩ tin dùng thuốc nội thì doanh nghiệp sản xuất thuốc phải chứng minh được rằng sản phẩm của mình an toàn, hiệu quả không thua kém gì thuốc ngoại. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có trung tâm kiểm tra, thử tương đương sinh học mà những thông tin này các bệnh viện căn cứ trên tài liệu doanh nghiệp cung cấp.

“Ngoài ra, đôi khi chính người bệnh lại là người yêu cầu dùng thuốc ngoại. Đi khám, kê thuốc nội thì họ kêu là kê mấy thứ thuốc rẻ tiền thế này thì làm sao khỏi bệnh được. Vì thế, người bệnh cũng cần phải thay đổi tư tưởng”, vị giám đốc này chia sẻ.

Theo ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, mục tiêu của cuộc vận động này là tác động tới việc kê đơn của thầy thuốc, góp phần làm giảm tỷ lệ thuốc/chi phí điều trị. Những báo cáo nghiên cứu về tương đương sinh học, thực tiễn điều trị thuốc nội so sánh hiệu quả tương đương với thuốc ngoại sẽ là minh chứng để thuyết phục thầy thuốc kê đơn, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng thuốc nội.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, cuộc vận động là cơ hội để chấn chỉnh lại việc kê đơn thuốc trong các bệnh viện. Trừ các loại thuốc mới phát minh còn trong giai đoạn bảo hộ sở hữu trí tuệ, bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic tương đương sinh học với thuốc gốc mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

“Kê đơn thuốc generic, đặc biệt là kê thuốc sản xuất trong nước, chúng ta sẽ cứu được nhiều người bệnh thay vì chỉ cho một người với cùng một lượng kinh phí như nhau. Vì thế, tôi kêu gọi toàn dân cùng ngành y cố gắng thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thuốc”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Theo vnexpress.net