Hình ảnh bác sĩ tất bật với việc khám bệnh cứu người từ bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người trong chúng ta, không rõ áo blouse xuất hiện từ thời điểm nào, thường màu áo blouse không thể tách rời với màu trắng tinh khiết mà các bác sĩ khoác trên mình.
Áo blouse trắng là trang phục bắt buộc đối với mỗi bác sĩ khi đến bệnh viện làm việc. Áo blouse cũng được coi như một biểu tượng của ngành y tế. Nhưng khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ lại phải thay trang phục là áo blouse xanh.
Vì sao bác sĩ phẫu thuật lại mặc áo blouse màu xanh?
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao bình thường bác sĩ mặc áo blouse trắng? Vì sao khi bác sĩ phẫu thuật lại mặc áo blouse màu xanh? Vì sao các săng phẫu thuật lại có màu xanh?
Hãy cùng đọc để tìm hiểu lý do vì sao lại có quy định màu áo blouse xanh hoặc trắng nhé!
Áo Blouse thường có màu trắng – màu tượng trưng của sự sạch sẽ, tinh khiết. Chiếc áo blouse trắng hiện đại đã được Bác sĩ George Armstrong (1855–1933) đưa vào sử dụng cho ngành y ở Canada. Ông nguyên là một phẫu thuật viên của Bệnh Viện Tổng Hợp Montreal và là chủ tịch của Hiệp Hội Y Khoa Canada. Về sau người ta nhận thấy màu trắng quá tương phản với màu đỏ của máu, làm cho các bác sĩ nhanh mỏi mắt hơn khi phải nhìn 2 màu tương phản đó, đặc biệt là các bác sĩ phẫu thuật.
Theo một bài báo trên Today’s Surgical Nurse năm 1998, đến đầu thế kỷ 20, một bác sĩ có ảnh hưởng lớn chuyển áo blouse sang màu xanh vì ông cho rằng trông dễ nhìn hơn. Mặc dù rất khó khẳng định việc áo blouse xanh trở nên phổ biến vì lý do này hay không, màu xanh đặc biệt thích hợp trong việc giúp bác sĩ nhìn tốt hơn trong phòng phẫu thuật vì nó đối lập với màu đỏ.
Áo blouse màu xanh có thể giúp bác sĩ nhìn tốt hơn vì hai lý do.
Thứ nhất, nhìn vào màu xanh đậm hoặc xanh nhạt khiến bác sĩ nhìn rõ các vật có màu đỏ hơn, bao gồm các bộ phân dính đầy máu bên trong cơ thể của bệnh nhân khi phẫu thuật. Bộ não nhận biết các màu có liên quan đến nhau. Nếu bác sĩ phẫu thuật nhìn vào vật gì đó đỏ hoặc hồng, ông trở nên bão hòa với nó. Tín hiệu màu đỏ trên não mất dần, điều này khiến việc quan sát sắc thái của cơ thể người trở nên khó khăn hơn. Thường xuyên nhìn vào vật gì đó màu xanh có thể khiến mắt nhạy cảm hơn với các sắc độ khác nhau của màu đỏ, theo John Werner, nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về thị lực tại đại học California, Davis.
Thứ hai, việc quá tập trung vào màu đỏ có thể dẫn tới các ảo giác màu xanh trên nền trắng. Các bóng ma màu xanh có thể xuất hiện nếu bác sĩ chuyển hướng nhìn từ các mô màu đỏ trong cơ thể sang cái gì đó màu trắng, ví dụ như rèm tre phẫu thuật hay bộ quần áo của bác sĩ gây mê. Một ảo ảnh màu xanh của màu đỏ bên trong cơ thể bệnh nhân có thể xuất hiện trên một nền trắng. (Bạn có thể tự thử ảo ảnh “sau tác động” này). Ảo ảnh có thể bám theo bất cứ chỗ nào bác sĩ phẫu thuật nhìn vào, tương tự như các điểm trôi nổi chúng ta thấy sau ánh đèn flash của máy ảnh.
Hiện tượng này xuất hiện vì ánh sáng trắng chứa tất cả các màu của cầu vồng, bao gồm màu đỏ và màu xanh. Nhưng khi mắt đang mệt mỏi với màu đỏ, sự cạnh tranh giữa màu đỏ và màu xanh khiến não đưa ra tín hiệu “màu xanh”.
Theo Paola Bressan, người nghiên cứu ảo ảnh thị giác tại đại học Padova (Italia), tuy nhiên, nếu bác sĩ nhìn vào áo blue màu xanh thay vì màu trắng, các bóng ma khó chịu sẽ hòa vào màu xanh và không gây sao lãng.
Sự lý giải này cũng tương đồng với sự lý giải của PGS.TS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV K Tân Triều chia sẻ cho biết: “Phòng mổ là môi trường làm việc đặc biệt, cần can thiệp chữa bệnh bằng phẫu thuật. Khi tiếp xúc với đèn chiếu công suất lớn lâu, kíp trực thường mỏi, lóa mắt. Màu xanh là màu tốt nhất để tạo cảm giác dễ chịu cho mắt để kíp mổ giảm bớt áp lực cho mắt”.
Có nhiều màu xanh được sử dụng trong phòng mổ, không chỉ ở các bệnh viện Việt Nam mà cả trên thế giới. Có nơi dùng màu xanh lá cây, có nơi xanh thẫm, xanh lục… nhưng đều là những màu cho mắt cảm giác dễ chịu nhất.