Chỉ ra nguyên nhân vì đâu dẫn tới tai biến y khoa không dễ bởi “án tại hồ sơ” mà hồ sơ thì nằm trong tay bác sĩ. Tuy nhiên, có những sai lầm mà chẳng hồ sơ nào biện minh được như 5 trường hợp điển hình của năm 2012 dưới đây:
1. Bệnh nhân tử vong vì bác sĩ chỉ khâu vết thương ngoài bụng
Bị dao đâm thủng bụng và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Bảo Yên (Lào Cai), vậy mà bệnh nhân Nguyễn Hoàng Trung chỉ được bác sĩ chỉ khâu phần ngoài rồi cho về. Đến lúc bụng căng cứng, quay lại bệnh viện thì được khâu tiếp 2 lỗ ở 2 thành ruột non và 1 lỗ ở thành đại tràng. Và sau 1 tuần nằm tại viện này theo dõi, bệnh nhân nôn ra máu đen. Đến khi đưa lên cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai thì đã quá muộn, nhiều bộ phận như túi mật, phúc mạc, dạ dày bị hoại tử. Bệnh nhân tử vong sau đó ít giờ.
Cơ quan điều tra nghi việc cấp cứu nạn nhân không triệt để dẫn đến bị hoại tử các bộ phận trong ổ bụng nên đã lấy mẫu gửi cơ quan pháp y trung ương xét nghiệm còn Giám đốc Sở Y tế tỉnh, ông Nông Tiến Cương cho rằng trình độ, năng lực chuyên môn thì có vấn đề: “Bác sĩ xử lý non nớt, không tiên lượng và xử lý không hết, đường vào có một mũi dao nhưng có hai vết thủng, bác sĩ không kiểm tra, phát hiện được”.
2. Đau thận trái, cắt cả 2 quả thận
Sự việc bắt đầu từ cuối tháng 12/2011 nhưng câu chuyện bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị cắt 2 quả thận vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận gần như trong suốt 2012 khi việc tìm người có thận hiến phù hợp không dễ và chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân nhằm đáp ứng yêu cầu ca mổ không hề đơn giản. Theo đó, với tập hồ sơ nặng đến 5kg, bệnh nhân Cẩm Tú đã phải trải qua 10 cuộc phẫu thuật trong 8 tháng (9/12 – 10/8) và như BS Bùi Huy Phú, Giám đốc BV TƯ Huế đánh giá: “Đây là 1 ca ghép thận khó nhất trong lịch sử”.
Và thủ phạm của toàn bộ sự việc này bắt nguồn từ một seri những lỗi khó “đỡ” của các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Cần Thơ mà Hội đồng khoa học đánh giá “là những lỗi không thể chấp nhận được”.
Cụ thể, theo kết luận của Hội đồng khoa học, lỗi đầu tiên là do chẩn đoán hình ảnh vì với thận móng ngựa, khi chụp CT scanner hay X-quang đều có thể thấy rõ 2 quả thận dính vào nhau. Tiếp đó, cắt 2 quả thận mà vẫn nghĩ cắt 1, lại giải thích không rõ ràng với thân nhân người bệnh là sai lầm tiếp theo. Đặc biệt, ngay sau khi ca mổ kết thúc bác sĩ cũng không thông báo và giải thích cặn kẽ cho người nhà bệnh nhân.
3. Mổ thoát vị bẹn, cắt luôn cả bàng quang
Mặc dù được các thành viên trong ê kíp mổ giải thích rằng trường hợp bệnh nhi này có một khối bất thường nằm ở bên phải, rất có thể bàng quang bé bị dị dạng bất thường nhưng với các bác sĩ không tham gia ca mổ, việc cắt tới hơn nửa bàng quang của bệnh nhi là 1 ca bệnh gây sốc, thậm chí có bác sĩ không thể tin là có chuyện này. Bởi bàng quang ở vị trí cách xa điểm thoát vị bẹn, rất dễ phân biệt. Nếu có sơ suất thì cũng chỉ gây thủng chứ không thể cắt gần hết như vậy.
Điều đáng nói, sau mổ 1 ngày, khi bệnh nhân bị chướng bụng, không tiểu được, kíp mổ cũng không phát hiện được sai lầm của mình mà phải thông qua chẩn đoán của tuyến trên (bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa).
Mọi khắc phục lúc này chỉ mang tính tạm thời vì phải đợi đến khi bé đủ 5 tuổi mới có thể thực hiện việc tái tạo bàng quang và nhiều khả năng suốt đời bé phải thông tiểu chủ động.
4. Sưng má vì bỏ quên bông gạc trong răng
Câu chuyện quên gạc, thậm chí cả dụng cụ y khoa không phải là hiếm trong các ca mổ lớn nhưng việc quên 1 miếng bông gạc dài tới 4cm trong chân răng vừa được nhổ thì thực sự là lỗi khó chấp nhận trong y khoa.
Sau khi nhổ chiếc răng mọc lệch kéo dài 3 tiếng tại khoa Răng Hàm Mặt, bệnh viện Y dược Huế, bệnh nhân Hoàng Thị Kim Oanh (23 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã bị sốt cao, miệng ra máu, mủ nhiều.
Khi đưa vào BV Đa khoa huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) điều trị, các bác sĩ chẩn đoán chị Oanh bị nhiễm trùng vết thương sau phẫu thuật và lấy ra từ vết thương đã được khâu bằng chỉ tự tiêu 1 miếng bông gạc dài 4cm nằm sâu bên trong, có màu xanh, đã bốc mùi hôi thối. Và lúc này bệnh nhân mới bớt sốt, má hết sưng nhưng sụt cân nghiêm trọng trong quá trình điều trị vì không thể ăn uống.
Đại diện khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Y Dược Huế đã thừa nhận sai sót và xin lỗi bệnh nhân cùng gia đình.
5. Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tiêm vắc xin hết hạn
Trên vỏ ghi đã hết hạn nhưng bác sĩ khẳng định… không sao
Là một cơ quan đầu ngành về tiêm chủng của quốc gia nhưng 1 số nhân viên y tế của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ lại cho rằng: “Tiêm vắc-xin hết đát 1-2 tháng cũng không sao” và chỉ thừa nhận “Cái sai của trung tâm là không thông báo ngày sắp hết hạn sử dụng vắc-xin cho gia đình biết, để gia đình quyết định lựa chọn thuốc” khi gia đình bé Đinh Hà Phương (2,5 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) tá hoả phát hiện con mình bị tiêm vắc xin 4 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt) hết hạn sử dụng. Và sự việc không dừng ở đó khi có thêm 4 trẻ nữa cũng bị tiêm vắc xin hết hạn này.
Cuộc tranh cãi chỉ kết thúc khi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ khẳng định: “Thuốc hết hạn là hết hạn” và đồng thời khẳng định “việc thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn có sai sót, là lỗi của các cán bộ tiêm chủng”