Một số bác sĩ của Bệnh viện Q.9, TP.HCM công khai tiếp trình dược viên trong giờ khám bệnh và thỏa thuận hoa hồng với hãng dược. Vì hoa hồng, có bác sĩ quên luôn sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Bác sĩ kê toa ăn chia hoa hồng
Xem gần 40 toa thuốc thu thập được do bác sĩ Nguyễn Trọng Việt, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Q.9, kê cho bệnh nhân (diện bảo hiểm y tế) trong ngày 19/7 và 23/7, chúng tôi phát hiện có những toa thuốc bất hợp lý và chỉ định thuốc không liên quan gì đến bệnh của bệnh nhân. Bệnh nhân bị bệnh gì bác sĩ Việt cũng luôn kê kháng sinh, kháng viêm, chống dị ứng và thuốc về bệnh xương khớp, bệnh đường tiêu hóa.
Bệnh một đằng, thuốc một nẻo
Cụ thể, bác sĩ Việt khám cho bệnh nhân N.T.D.P. (30 tuổi) và chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da cơ địa dị ứng, viêm xoang nhưng trong toa thuốc bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng thuốc trị viêm xương khớp Doresyl. Tương tự, bác sĩ Việt chẩn đoán bệnh nhân L.T.N.N. (46 tuổi) bị viêm phế quản cấp, viêm xoang nhưng trong toa thuốc của bệnh nhân lại kê Doresyl. Một bệnh nhân khác là ông H.K.L. (41 tuổi) được bác sĩ Việt chẩn đoán “viêm nang lông, rối loạn tiền đình” cũng cho uống… Doresyl. Đáng lưu ý, bệnh nhân N.N.D. (35 tuổi) được bác sĩ Việt khám và chẩn đoán “viêm dạ dày và tá tràng, viêm xoang” nhưng trong toa thuốc bác sĩ Việt kê Celedol, trong khi thuốc này được khuyến cáo chống chỉ định vì tác dụng phụ gây xuất huyết tiêu hóa cho bệnh nhân.
“Kỳ lạ” nhất là toa thuốc mà vị trưởng khoa này kê cho bệnh nhân N.H.H. (87 tuổi, khám bệnh ngày 19/7). Ông H. được chẩn đoán bị bướu tiền liệt tuyến và được bác sĩ Việt cho năm loại thuốc là kháng sinh Klamentin, thuốc chống dị ứng Qaderlo, thuốc trị bệnh đường hô hấp Mitux, thuốc trị ho Eurodin và thuốc điều trị đầy hơi, rối loạn tiêu hóa Prevenolax.
Một số bác sĩ khác của khoa khám bệnh Bệnh viện Q.9 cũng kê toa “khó hiểu”. Đơn cử, bệnh nhân N.V.U. (59 tuổi) khám bệnh ngày 19/7 và được bác sĩ Ngô Khắc Quỳnh chẩn đoán bị bệnh sỏi thận, nhiễm trùng tiểu, viêm dạ dày nhưng kê toa cả… thuốc trị bệnh xương khớp Celedol. Ngày 19-7, bác sĩ Quỳnh còn kê thuốc Celedol cho bệnh nhân N.T.B. (24 tuổi), trong khi bệnh nhân này được chẩn đoán viêm amiđan cấp.
Công khai báo giá “chung chi”
Theo phản ảnh của một số công ty dược, bác sĩ Nguyễn Trọng Việt là người luôn “tận tình” giúp đỡ trình dược viên đạt doanh số tiêu thụ thuốc để nhận hoa hồng. 10g sáng 25/7, một nhóm trình dược viên đến chào hàng hai loại thuốc với bác sĩ Việt ngồi khám ở phòng số 7.
Bác sĩ Việt hỏi ngay: “Bên chị có sản phẩm gì?”. Trình dược viên đưa hai tờ quảng cáo giới thiệu thuốc, bác sĩ Việt đón lấy xem và nói rằng thời điểm này kê toa thuốc hỗ trợ tuần hoàn não hơi khó vì ngày nào giao ban giám đốc bệnh viện cũng nhắc phải hạn chế do bảo hiểm y tế gần vỡ quỹ, nên “bác sĩ muốn cũng không dám xài”.
Tuy nhiên, bác sĩ Việt nói: “Trước mắt là khó thôi, chứ một, hai tháng sau sóng yên biển lặng thì mình xài”. Về loại thuốc trị bệnh dạ dày, bác sĩ Việt nói ở Bệnh viện Q.9 tương đối nhiều, ít nhất có 7-8 mặt hàng cạnh tranh, rồi mở máy vi tính ra xem và đọc tên các thuốc, tên công ty, giá thành từng loại là bao nhiêu. Sau đó, ông bảo hàng khách vừa chào giá không đến mức cao lắm (6.300 đồng/viên – PV) nên “đương nhiên xài được”.
Bác sĩ Việt hỏi: “Doanh số của chị bao nhiêu thì đạt yêu cầu?”. Trình dược viên nói 10.000 viên. “10.000 viên cho một tháng hay một năm?” – bác sĩ Việt hỏi lại. Khi biết đó là số lượng thuốc cho một năm, ông nói luôn: “Xài 10.000 viên trong một năm thì đơn giản. Mỗi tháng có 1.000 viên. Chị cứ xin vào đi, có bao nhiêu tụi em sẽ giải quyết hết”.
Sau đó, ông tiết lộ: “Ở đây, các công ty thường chi 20-25 (phần trăm – PV), chưa có cái nào hơn đó. Có những cái là 15%, có những hàng kháng sinh là 10%… Phổ rộng tụi em nhận 20%. Nếu chị vào hàng được, em cũng không cần 25% đâu. Em chỉ cần 20% thôi. Bên em không nhận cao vì nhận cao làm sao các công ty sống”, bác sĩ Việt thẳng thắn báo giá “chung chi” hoa hồng như vậy.
Về cách thức chi hoa hồng thuốc, bác sĩ Việt nói không cần đến nhà mà “cứ tới đây đi” và “cứ cho vào phong bì, các công ty khác cũng làm vậy, không sao đâu”. Ông còn dặn: “Không cần thiết phải xuống nhiều, một tháng một lần”. Còn bên khoa dược, bác sĩ Việt bỏ nhỏ là chỉ cần chi 5-6%.
“Chúng tôi quản lý còn lỏng lẻo”
Về phản ảnh bác sĩ của bệnh viện tiếp xúc với trình dược viên và thỏa thuận đòi hoa hồng, bác sĩ Trần Minh Tâm, Giám đốc Bệnh viện Q.9 – nói: “Chúng tôi từng nhận được phản ảnh về việc này nhưng chưa có chứng cứ chắc chắn nên chưa xử lý được. Chúng tôi chỉ kiểm soát bác sĩ của mình bằng cách kiểm tra các toa thuốc. Nếu có bất hợp lý trong toa thuốc thì nhắc nhở bác sĩ”. Khi xem những toa thuốc mà bác sĩ Việt và bác sĩ Quỳnh kê cho bệnh nhân, ông Tâm thừa nhận các toa có sự lặp đi lặp lại các loại thuốc giống nhau. Về trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện, ông cho biết “lâu lâu cũng đi kiểm tra” và chỉ kiểm soát được sự hợp lý hay không trong toa thuốc chứ không để ý lắm đến chuyện công ty dược chi hoa hồng cho bác sĩ.
Ông Tâm thừa nhận: “Sở Y tế TP có quy định bác sĩ không được tiếp trình dược viên trong thời gian khám bệnh nhưng do chúng tôi giám sát chưa tốt”. Ông Tâm hứa sẽ họp ban giám đốc và cấp ủy bệnh viện để có trả lời cụ thể.
Ngày 27/7, bác sĩ Tâm cho biết thêm: “Sau khi nhận được phản ảnh của phóng viên, Ban giám đốc và Ban thanh tra nhân dân bệnh viện đã làm việc với các bác sĩ Nguyễn Trọng Việt, Nguyễn Mạnh Hùng và Ngô Khắc Quỳnh. Bước đầu, ba bác sĩ trên đã nhận khuyết điểm và viết bản tự kiểm về hành vi sai phạm của mình. Qua đó, bệnh viện cũng nhận thấy còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, nhất là công tác quản lý hoạt động của trình dược viên trong bệnh viện và công tác giám sát kê đơn của các bác sĩ”.
Theo bác sĩ Tâm, từ sự việc này, bệnh viện sẽ nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị, giám sát việc kê đơn chặt chẽ hơn. Riêng trường hợp ba bác sĩ sai phạm, bệnh viện sẽ cho rút kinh nghiệm toàn bệnh viện, đồng thời hội đồng khen thưởng và thi đua của bệnh viện sẽ có hướng xử lý thích hợp.