Các chị em phụ nữ luôn quan niệm rằng việc bồi bổ thận dương là việc của ông xã, để rồi phải âm thầm chịu đựng trong cái cảnh lãnh cảm, cô đơn. Thực tế, trong Y học cổ truyền có rất nhiều vị thuốc hay, phương thuốc quý bổ thận dương cho cả hai phái, như tắc kè, cá ngựa, ba kích, hà thủ ô đỏ…
- Phương Pháp Y Học Cổ Truyền Phòng, Trị Yếu Sinh Lý
- Đàn Ông Có Thể Chinh Phục Bạn Tình Nhờ Ba Kích Tím
Bổ thận dương – chuyện không của riêng nam giới
YHCT quan niệm về chức năng của tạng thận như: thận tàng tinh, thận chủ mệnh môn, thận chủ thủy, thận chủ cốt, sinh tủy… Như vậy các chức năng của tạng thận mà YHCT đề cập đến là chung cho tạng thận của con người, không phân biệt thận của phái nam hay thận của phái nữ. Điều cần bàn ở đây là một số chức năng tạng thận của YHCT liên quan đến vấn đề nội tiết (hàm ý các hormon, liên quan đến hoạt động sinh dục) trong con người. Thật vậy, khái niệm về nội tiết lại là khái niệm của Tây y. Tuy nhiên hiện nay hầu như cũng đang được sử dụng chung cho cả hai nền y học Đông và Tây y.
Trên thực tế, với góc độ về nội tiết, YHCT có thể lý giải theo hai chức năng quan trọng của tạng thận; đó là thận tàng tinh và thận chủ mệnh môn. Khái niệm “tinh” mà YHCT đề cập bao gồm hai loại, loại thứ nhất là tinh tiên thiên, một thứ “tinh” được truyền từ cha mẹ, trong đó có “tinh sinh dục”, loại thứ hai là “tinh hoa của vật chất”, một thứ tinh có nguồn gốc từ thủy cốc (chất dinh dưỡng), được hóa sinh tại tạng tỳ. Loại tinh thứ hai này có chức năng nuôi dưỡng ngũ tạng, lục phủ, tức nuôi dưỡng cơ thể, còn dư thừa sẽ được giữ lại ở thận, thận tàng tinh.
Với ý nghĩa như vậy, tạng thận của mỗi người, bất kể là nam hay nữ, đều có chức năng tàng tinh. Mặt khác, cũng cần làm rõ thêm về chức năng chủ mệnh môn, chủ thủy của tạng thận. Như ta đã biết, khái niệm về mệnh môn của YHCT còn hàm nghĩa là long hỏa, tướng hỏa, mà hỏa thuộc dương. Điều đó hàm ý bản chất của mệnh môn là thận dương. Thận dương cung cấp sức nóng cho cơ thể hoạt động.
Theo Y sĩ YHCT người bị thận dương hư thường xuyên chân tay lạnh, lưng lạnh, đau lưng, mỏi gối, kèm theo các chứng ỳ trệ của đại tràng, dẫn đến các chứng bụng lạnh, sôi bụng, đi ngoài phân sống nát, đồng thời xuất hiện các chứng suy yếu về hoạt động sinh lý, nam giới hay bị chứng liệt dương, di tinh, tảo tiết, lãnh tinh… rất dễ dẫn đến vô sinh… Nữ giới thường xuất hiện kinh nguyệt không đều, kinh kỳ đau bụng, tử cung lạnh, khó thụ thai, lưu thai… cũng dễ dẫn đến trạng thái lãnh cảm. Như vậy xét về mặt y lý Đông y, cũng như các triệu chứng trên lâm sàng, rõ ràng thận dương, một bộ phận của tạng thận có liên quan nhiều đến các hoạt động về sinh dục của con người.
Ở đây muốn đề cập đến cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên, ta lại biết rằng theo tính chất tương đối của thuyết âm dương trong YHCT: “Trong âm có dương và trong dương có âm”. Điều đó có nghĩa là, đối với nam giới, thuộc về phạm trù “trong dương, có âm”, đối với nữ giới, thuộc về phạm trù “trong âm, có dương”. Như vậy ta có thể hiểu rằng, đối với nam giới, phạm trù “dương” là chủ đạo đối với thận, tức thận dương là quan trọng, còn đối với nữ giới, phạm trù “âm” tức thận âm là quan trọng.
Điều đó không có nghĩa là thận âm lại không quan trọng với nam giới, và ngược lại, thận dương lại không quan trọng với nữ giới. Ngoài hai chức năng trên, chức năng thận chủ thủy cũng không hề kém phần quan trọng đối với các hoạt động sinh lý của con người. Ta biết “thủy” thuộc phạm trù âm, đối với tạng thận tức thận âm, YHCT còn gọi là thận thủy.
Ngoài việc tham gia quản lý chức năng thanh lọc của thận, thận âm còn đóng vai trò cân bằng thể dịch trong cơ thể, nếu không sẽ dẫn đến chứng âm hư hỏa vượng. Như ta đã biết, ở nữ giới thận âm là chủ đạo, nên chị em hay mắc chứng này nhiều hơn nam giới, đa phần vào thời kỳ tiền mãn kinh, thường xuất hiện chứng đau đầu, hoa mắt, nóng bừng từng cơn, kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới, tính tình hay cáu gắt… Còn với nam giới thì hay mắc chứng tinh huyết hao tổn, tân dịch khô kiệt…
Trong ngũ tạng, lục phủ, tạng thận bao gồm thận âm và thận dương là tạng chủ yếu đóng vai trò quản lý các hoạt động sinh dục của con người trong cả hai giới. Vì vậy, thường xuyên “hãy lắng nghe cơ thể bạn”, một khi thấy có biểu hiện về sự “chểnh mảng, thờ ơ, lãnh đạm…”, hãy tìm đến các vị thuốc, phương thuốc của Y học cổ truyền về “bổ thận”
Hãy công bằng trong bổ thận dương
Hãy xem các thể hiện của từng loại triệu chứng của thận âm, thận dương và gặp thầy thuốc có kinh nghiệm, để dùng thuốc cho phù hợp với bản thân. Mọi người cũng đừng bỏ qua các lời khuyên của thầy thuốc, một khi các biểu hiện về triệu chứng của tạng thận, có khả năng vượt qua tầm kiểm soát của chính mình.
Tuy nhiên, cũng không nên có những tư duy về thận theo kiểu trọng nam, khinh nữ, “một người khỏe, hai người vui”, hoặc “chỉ cần ông xã khỏe là mình vui rồi!”… Chính điều này là suy nghĩ cực đoan, là thiếu công bằng với tạng thận của phái đẹp. Trong xã hội, cũng có những biểu hiện về sự thiên lệch của một số nhà sản xuất dược phẩm, cũng như các nhà nghiên cứu về thuốc bổ thận dương, thậm chí ngay cả các nhà nghiên cứu là nữ, cũng chỉ nghĩ đến các loại thuốc bổ thận dương cho phái mày râu, mà quên đi thuốc bổ thận dương của giới mình.
Nguồn: Báo Tiền Phong