Nhiều người cho rằng sự “tương sinh tương khắc” chỉ có trong Đông Y. Nhưng điều đó chưa hẳn đã đúng, trong Tây y cũng xuất hiện rất nhiều các trường hợp bệnh tương sinh tương khắc.
Có phải “một bệnh thì sống, đống bệnh thì chết”?
Thuyết ngũ hành từ thời xa xưa cho rằng “vạn vật trong thế giới là tương sinh và tương khắc”, mối quan hệ này cũng ứng với bệnh tật của con người. Đa phần mọi người đều có quan niệm khi đã mắc bệnh, mà kết hợp với một hoặc vài bệnh khác sẽ làm cho quá trình điều trị khó, khả năng chống chọi với bệnh tật của con người suy giảm, vì thế bệnh khó khỏi, thậm chí còn nặng thêm.
Thực tế, các Y sĩ đa khoa cho biết có rất nhiều trường hợp đã diễn ra đúng như vậy. Chẳng hạn như khi mắc một căn bệnh cấp tính trên nền một căn bệnh mạn tính, việc chỉ định điều trị của bác sĩ sẽ khó khăn hơn bởi sự tương tác của thuốc với cơ thể sẽ khác nhau, không chừng điều trị được bệnh này sẽ làm bệnh kia nặng thêm và ngược lại. Đây chính là sự tương sinh của bệnh tật và điều này sẽ hủy hoại sức khỏe của con người. Tuy nhiên trong khoa học, đặc biệt là y học, vẫn xảy ra những điều kỳ diệu mà ngay cả bác sĩ hoặc các nhà khoa học cũng phải kinh ngạc. Đó là sự tương khắc của bệnh tật. Một phần nhỏ cho thấy sự tương khắc tồn tại ngay trong chính bản thân mỗi người, đó là cơ chế tự chữa lành của cơ thể. Khi bị thương, cơ thể tự làm lành vết thương, phục hồi các mô bị tổn hại. Như một vết đứt tay, tiểu cầu lập tức bám vào các mô xung quanh vết thương khiến máu đông lại, bịt lại những mạch máu bị tổn hại. Hay quá trình sưng, viêm trên cơ thể thực chất là phản ứng của cơ thể với các tác nhân bên ngoài để loại bỏ những tác nhân lạ xâm nhập cơ thể.
Điều kỳ diệu vẫn có thể xảy ra
Các nhà khoa học chỉ thực sự quan tâm tới vấn đề tương khắc của bệnh tật khi xuất hiện trên thực tế lâm sàng các trường hợp cơ thể bệnh nhân “tự chữa” khỏi bệnh một cách lạ kỳ khi mắc cùng lúc nhiều bệnh. Đó là trường hợp của người đàn ông tên là Timothy Ray Brown, bản thân ông cũng không ngờ ca bệnh của mình lại được truyền thông nhắc nhiều đến như vậy. Biết mình bị dương tính với HIV năm 1995, thời điểm đó ông cho rằng vậy là mình đã nhận một bản án tử hình bởi không có bất kỳ loại thuốc nào khác ngoài thuốc kháng virut. Kiên trì điều trị suốt 10 năm, đến năm 2006, sau những năm dài mệt mỏi gắn bó với thuốc và bệnh viện, ông được chẩn đoán mắc thêm bệnh bạch cầu, điều này làm ông sốc thực sự. Tiến sĩ Geru Huetter đã trở thành vị cứu tinh đối với Brown khi ông tiến hành ghép tủy xương cho Brown vào năm 2007 để chữa bệnh bạch cầu. Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau phẫu thuật, các xét nghiệm tủy xương, máu và các mô nội tạng đều không còn thấy sự tồn tại của HIV, đồng thời bệnh bạch cầu cũng được chữa trị. Trường hợp của Timothy Ray Brown đã được công bố trong Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 19 ở Mỹ năm 2012.
Cho đến nay Brown vẫn là bệnh nhân duy nhất trên thế giới khỏi cùng lúc 2 căn bệnh nan y nhờ ghép tủy. Sau ca cấy ghép này, các Y sĩ đã nghiên cứu, tìm tòi phương pháp chữa HIV bằng ghép tủy, chỉ có một số rất ít có được kết quả điều trị như của bệnh nhân Brown, tức là đã không còn tìm thấy HIV nhưng sau đó bệnh quay trở lại. Các bác sĩ cho rằng đó là do người hiến tặng tủy cho Brown có một đột biến di truyền hiếm gặp, có rất ít người có gen này, khi vào cơ thể bệnh nhân nó làm cho các tế bào miễn dịch tấn công HIV hoạt động loại bỏ loại virut quái ác này khỏi cơ thể.
Hay như trường hợp của một bệnh nhân người Pháp bị Parkinson, sau đó lại nhiễm HIV, một thời gian sau ông phục hồi hoàn toàn như chưa từng mắc Parkinson. Ví dụ này thúc đẩy nhóm nghiên cứu tìm mối liên hệ giữa bệnh Parkinson và HIV, được công bố trên Học viện Y tế quốc gia Mỹ. Nghiên cứu đã được thực hiện trong suốt 12 năm, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu trên 15 bệnh nhân được lấy ngẫu nhiên, những bệnh nhân này bị Parkinson, một nửa trong số họ mang trong mình HIV. Kết quả thật bất ngờ: Quá trình khởi phát, biểu hiện triệu chứng của tất cả bệnh nhân có HIV tương đối giống với nhóm không có HIV. Tuy nhiên trong quá trình điều trị dường như nhóm có HIV được sử dụng thuốc kháng virut cho thấy có sự chuyển biến với bệnh Parkinson hơn. Những dấu hiệu của bệnh Parkinson biến mất nhiều hơn so với nhóm không có HIV. Các nhà khoa học cho rằng đây chính là sự tương khắc của bệnh tật trong bản thân mỗi cơ thể. Cho nên khi mắc cùng lúc nhiều bệnh không phải là “trời đã sập”, “mọi cánh cửa đã đóng”, có khi lại chính là cách thức, là niềm hy vọng chữa khỏi bệnh tật, các nhà khoa học cũng đang đi tìm lời giải cho những ví dụ kỳ lạ này.
Khi mắc cùng lúc nhiều bệnh không phải là “trời đã sập”, là “mọi cánh cửa đã đóng”, có khi lại chính là cách thức, là niềm hy vọng chữa khỏi bệnh tật, các nhà khoa học cũng đang đi tìm lời giải cho những ví dụ kỳ lạ này.
Hướng nghiên cứu mới trong điều trị các bệnh nan y
Một trong những nghiên cứu cực kỳ thú vị trong Ngành Y làm cho các nhà khoa học phải đặt câu hỏi liệu có sự tương khắc giữa các bệnh hay không? Trung tâm Nghiên cứu ung thư thuộc Trường đại học Maryland, Mỹ đã nghiên cứu trên phạm vi hẹp, hơn 100 trường hợp, có tới 94 người (chiếm 73%) những người ung thư máu có kèm theo một loại viêm gan như A hoặc B, đều ở thể nhẹ. Điều thú vị đã xảy ra khi các nhóm người mắc cùng lúc cả ung thư máu và một loại viêm gan có thời gian sống dài hơn những người chỉ mắc ung thư máu mà không có bệnh viêm gan tới 124 đến hơn 300 ngày.
Tại sao một người hay mắc các bệnh lặt vặt thường ít bị bệnh ung thư, ở những bệnh nhân ung thư, bệnh Parkinson ít thấy xuất hiện, nếu một năm chỉ đôi lần cảm cúm thì các căn bệnh nguy hiểm khác sẽ không ghé thăm? Đây là những câu hỏi hiện vẫn chưa có lời giải.
Các nhà khoa học đặt nghi vấn, có phải hệ miễn dịch của con người có khả năng làm được nhiều điều kỳ diệu hơn những gì chúng ta biết. Họ cho rằng khi con người mắc một loại bệnh như ung thư, sẽ làm ức chế hệ miễn dịch, làm chúng ở trạng thái “sốc”, sau đó bệnh ung thư sẽ ngày càng phát triển hủy hoại cơ thể con người. Nhưng nếu cùng lúc cơ thể lại mắc thêm một căn bệnh nữa có thể “mở khóa” trạng thái “sốc” của hệ miễn dịch, do đó hệ miễn dịch của con người lại hoạt động tấn công lại tế bào ung thư. Tuy nhiên tất cả những lý giải này chỉ là giả thiết. Để kết luận có hay không sự “tương sinh tương khắc” giữa các bệnh vẫn còn cần rất nhiều bằng chứng khoa học và thực nghiệm…
Một trong những hướng đi mới trong nghiên cứu của Y sĩ Trung cấp là đi tìm sự khác nhau giữa các bệnh, lý giải có hay không sự tương tác giữa chúng trong cơ thể con người. Để biến ý tưởng đưa một bệnh nhẹ vào cơ thể để chữa một loại bệnh nguy hiểm đang đe dọa tính mạng thành hiện thực sẽ phải mất rất nhiều thời gian.
Nguồn: Sức khỏe Online