Để có thể sinh đẻ một cách dễ dàng và thuận lợi thì việc chuẩn bị tâm lý từ trước là điều cần thiết. Nữ hộ sinh bật mí có khá nhiều cách để giúp việc sinh nở dễ dàng thuận lợi, nếu các mẹ có sự chuẩn bị tốt thì diễn biến thai kỳ và sinh đẻ thường sẽ vô cùng suôn sẻ.
- Nữ Hộ Sinh cho biết về kích thước bụng bầu ảnh hưởng đến thai nhi không?
- Nữ hộ sinh bật mí cách để nhanh đậu thai
Chọn độ tuổi mang thai phù hợp
Tuổi từ 23 – 30 tuổi là lứa tuổi được cho là thích hợp để mang thai và sinh con. Ở độ tuổi này, cơ thể người phụ nữ phát triển hoàn chỉnh, khung chậu dễ nở rộng hơn khi vào chuyển dạ. Phụ nữ càng lớn tuổi càng có nhiều nguy cơ cho thai kỳ: thai nhi tăng nguy cơ bất thường bẩm sinh, người mẹ thường kèm theo các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tiểu đường, u xơ tử cung,.. và khung chậu cũng kém giãn nở khi mang thai.
Nên chuẩn bị trước khi mang thai
Cả hai vợ chồng cần khám sức khỏe tổng quát. Riêng người phụ nữ cần tiêm ngừa các bệnh cần thiết trước khi mang thai: viêm gan B, thủy đậu, sởi- quai bị- rubella. Nên dùng thêm acid folic mỗi ngày tối thiểu 3 tháng trước mang thai. Nhiều chuyên gia trong ngành Hộ sinh cho biết việc dùng acid folic trước mang thai giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và sứt môi chẽ vòm ở thai nhi.
Trong quá trình mang thai cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp
Nếu người mẹ tăng cân quá mức có nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, thai to, tiền sản giật. Ngược lại, nếu người mẹ kiêng khem quá độ sẽ gây thai suy dinh dưỡng. Tất cả những bất thường trên trong thai kỳ làm tăng nguy cơ mổ lấy thai.
Mức độ tăng cân thích hợp cho mỗi thai phụ tùy vào người mẹ thuộc loại gầy, trung bình hoặc nặng cân trước lúc mang thai, dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI: Body mass index). Đối với những người mẹ gầy nhẹ cân, có thể tăng từ 13Kg đến 18Kg trong suốt thai kỳ. Đối với những người mẹ có chỉ số khối trung bình, tăng khoảng 12 – 15 Kg là vừa. Đối với những người mẹ thuộc loại thừa cân thì chỉ cần tăng khoảng 7 – 11 Kg trong suốt thai kỳ.
Chỉ số khối cơ thể được tính như sau:
- BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao x chiều cao).
- Trọng lượng cơ thể: tính bằng kg;
- Chiều cao x chiều cao: tính bằng m;
- Gầy nhẹ cân: BMI ít hơn 18.5
- Trung bình: BMI từ 18,5 – 25
- Thừa cân: BMI từ 25-30
- Béo phì: BMI trên 30
Cần khám thai định kỳvà thực hiện các xét nghiệm cần thiết đánh giá sức khỏe mẹ và thai.Trong quá trình khám thai nếu có những bất thường, các Y sĩ đa khoa, bác sĩ sẽ có lời khuyên và hướng xử trí phù hợp cho thai phụ.
Tập thể dục trong thai kỳ
Vận động giúp người mẹ khống chế cân nặng, phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ. Tập thể dục khiến vùng cơ xương chậu, cơ lưng, cơ bụng được co giãn, săn chắc, tăng cường tính đàn hồi; các xương khớp, dây chằng cũng dẻo dai hơn. Điều này giúp cơ thể người mẹ trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn, giảm thiểu áp lực lên sàn chậu. Bên cạnh đó, thể dục còn có tác dụng giúp bà bầu giảm mệt mỏi, căng thẳng và trở nên vui vẻ, tự tin trong suốt thời gian mang thai.
Lưu ý là khi tập luyện thể dục thể thao, các bà bầu nên chọn các động tác nhẹ nhàng, thời gian tập luyện không nên kéo dài.Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa và các chuyên gia sức khỏe để có bài tập thích hợp. Đi bộ và bơi lội là hai môn thể thao thích hợp với thai phụ.
Chuẩn bị đồ dùng và chọn nơi sinh
Từ tuần lễ 37 trở đi, thai phụ nên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khám thai, các loại giấy tờ cần thiết và các vật dụng cho mẹ và bé. Tất cả nên cho vào giỏ xách sẵn sàng đi sinh nếu có dấu hiệu chuyển dạ. Nên chọn bệnh viện để sinh sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế và thuận lợi về đường đi. Có sự chuẩn bị đầy đủ, thai phụ có thể yên tâm và không phải bối rối hốt hoảng khi đột ngột có dấu hiệu chuyển dạ.
Sự động viên, chăm sóc ân cần từ phía người thân
Khi vào chuyển dạ,thai phụ cần có tinh thần thoải mái, thư giãn. Hít thở đúng cách giúp thai phụ vượt qua những cơn đau trong quá trình chuyển dạ. Sự động viên của người thân, nhất là người chồng giúp người vợ trở nên vững tin và giảm bớt căng thẳng lo sợ, điều này giúp cổ tử cung mềm mại và dễ giãn nở hơn, giúp quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn.
Người thân xoa bóp giúp cho thai phụ cảm thấy thư giãn, máu huyết lưu thông tốt hơn. Nên xoa bóp tay chân, lưng và mông, tránh xoa bóp vùng bụng.Thay đổi tư thế ngồi đứng khi chuyển dạ cũng giúp thai phụ đỡ đau đơn và sinh nở dễ dàng hợn. Cần lưu ý trong những trường hợp đặc biệt như thai phụ có ra nước, ra huyết âm đạo, bị tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch… thì không nên đứng hoặc đi lại trong quá trình chuyển dạ.
Bên cạnh đó, sự hợp tác tốt với nhân viên y tế trong Ngành Y khi chuyển dạ cũng giúp cho sinh nở dễ dàng hơn.Với ý nghĩ “Chỉ chốc lát nữa thôi là mẹ sẽ gặp được bé yêu, thiên thần nhỏ bé của mẹ” khiến người mẹ lên tinh thần và càng vững tin rằng mình sẽ vượt cạn thành công.
Nguồn: bacsigiadinh.org