Những tai nạn bỏng ở trẻ em đôi khi xảy ra do sự bất cẩn của người lớn. Nữ hộ sinh khuyên các bậc cha mẹ cần lưu ý một số biện pháp phòng tránh để bảo vệ trẻ, hạn chế những hậu quả khôn lường có thể xảy ra.
- Nữ hộ sinh hướng dẫn cách pha sữa cho trẻ sơ sinh
- Những tiết lộ gây sốc của Nữ Hộ sinh về trẻ sơ sinh
Tai nạn bỏng ở trẻ em chỉ vì cha mẹ bất cẩn
Theo thống kê trong Ngành Hộ sinh, hầu hết tai nạn bỏng ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi đều do sự bất cẩn của người lớn, vì ở độ tuổi này trẻ chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh.
Cha mẹ, người lớn trong gia đình mải làm việc hoặc chính bản thân một số cha mẹ cũng không nhận thức được những nguy cơ gây bỏng bất ngờ cho trẻ như: đặt bát canh nóng gần chỗ trẻ chơi, đặt nồi cơm điện đang sôi dưới nền nhà, để đèn dầu ngay đầu giường,… Trong những tình huống này, chỉ cần một phút cha mẹ quay đi, trẻ nhỏ đã bất ngờ bị bỏng (trẻ tò mò thò tay vào bát canh đang bốc khói, lấy tay bịt hơi nồi cơm điện đang sôi, trẻ đang ngủ tỉnh dậy tự bò ra khỏi giường và vướng vào đèn dầu gây bỏng lửa,…).
Phòng tránh tai nạn bỏng ở trẻ em
Để phòng tránh, cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, không cho trẻ đến gần những nơi có nguy cơ gây bỏng như bếp lửa, gần than củi đốt, nồi bỗng rượu, nồi cám lợn, đèn dầu,… Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được.
Sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý, tất cả đồ vật dễ gây cháy nổ, bỏng phải để xa tầm tay trẻ em. Bố trí bếp và nơi nấu ăn phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống… Các Dược sĩ cũng khuyên trong tủ thuốc mỗi gia đình phải trang bị bông, gạc, băng, thuốc oresol… để dùng ngay khi không may có người bị bỏng.
Sơ cứu bỏng: những sai lầm cần tránh
Tai nạn bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều, bởi sức đề kháng của trẻ còn kém, dễ bội nhiễm. Theo kinh nghiệm của các Y bác sĩ trong Ngành Y, sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm.
Biện pháp sơ cứu ban đầu rất đơn giản là ngâm vùng bỏng vào nước lạnh (nước máy), hoặc vòi nước sạch càng sớm càng tốt trong thời gian khoảng 20- 30 phút, chú ý không được xối mạnh vì có thể làm trợt da gây đau đớn. Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch. An ủi trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước, nước oresol và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không được dùng nước mắm, giấm, kem đánh răng,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng…
Nguồn: alobacsi.com