Ngành Dược Việt Nam đang phát triển từng ngày nhưng vẫn còn những điểm yếu chưa thể khắc phục. Trong khi các công ty dược phẩm tại Việt Nam chủ yếu sản xuất các dòng thuốc phổ biến có giá rẻ thì biệt dược có giá trị cao vẫn do doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh.
- Dược sĩ hướng dẫn cách phân biệt thuốc giả, thuốc hết hạn
- Dược sĩ tiết lộ thông tin về “cần sa y tế”?
Biến đổi chính sách về quản lý ngành Dược
Theo IMS Health (công ty cung cấp dữ liệu dược phẩm), Việt Nam thuộc 17 nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển. Phân loại này dựa trên tiêu chí chủ yếu là tổng giá trị thuốc tiêu thụ hàng năm, ngoài ra còn có các tiêu chí khác như mức độ năng động, tiềm năng phát triển thị trường và khả năng thay đổi để thích nghi với các biến đổi chính sách về quản lý ngành dược tại các quốc gia này.
Các Dược sĩ cho biết, thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2015 có quy mô doanh thu hơn 5 tỷ USD. Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân tăng nhanh và sẵn sàng chi tiêu cho y tế nhằm duy trì chất lượng cuộc sống và đây chính là yếu tố chủ chốt, đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường dược phẩm Việt Nam.
Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam
Theo Bộ Y tế, đến hết năm 2015, thuốc sản xuất trong nước đã chiếm gần 50% lượng thuốc tiêu thụ, đáp ứng 2/3 hoạt chất trong Danh mục Thuốc thiết yếu của Việt Nam, một số bệnh viện đã sử dụng tới 80% thuốc nội. Đây có thể coi là một động thái tích cực trong việc thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Tuy nhiên, việc giữ được miếng bánh thị trường không bị rơi vào tay các đại gia nước ngoài đang là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt của ngành dược Việt Nam. Các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam mới phát triển sau năm 1990, có tuổi đời khá trẻ so với thế giới. Hiện có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó có 98 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất đông dược và 30 cơ sở sản xuất thuốc Y học cổ truyền.
Thuốc sản xuất trong nước đã chiếm gần 50% lượng thuốc tiêu thụ
Hệ thống phân phối thuốc rộng khắp cả nước với trên 2.200 đơn vị và 43.000 cơ sở bán lẻ. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp dược hiện đại, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và chưa có công nghiệp sản xuất nguyên liệu dược. Các doanh nghiệp dược Việt Nam đa số sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu nhập. Hiện mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh tổng hợp của Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar, với sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn Amoxicillin và 100 tấn Ampicillin mỗi năm, chỉ đủ cho nhu cầu của bản thân doanh nghiệp.
Mặc dù các doanh nghiệp dược lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường chưa nhiều, nhưng cũng có một số gương mặt nổi lên và tạo đà cho các doanh nghiệp Nghề Dược trong nước bứt phá trong thời gian tới. Một số doanh nghiệp thậm chí đã niêm yết trên thị trường chứng khoán và cổ phiếu các doanh nghiệp này đã trở thành những cổ phiếu blue-chip được giới đầu tư săn đón như Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Traphaco (TRA), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC)…
Nguồn: Vov.vn