Mỗi năm, tại Việt Nam có hàng trăm nghìn bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim. Theo các Y sĩ đa khoa cho biết đây là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu chúng ta biết được các dấu hiệu cảnh báo và đến bệnh viện sớm, chúng ta có thể tự cứu mình.
Nhồi máu cơ tim và các dấu hiệu cảnh báo
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.
Theo nghiên cứu trong Ngành Y, triệu chứng cảnh báo rõ ràng nhất là đau ngực. Cơn đau ngực thường ở giữa xương ức và kéo dài trong một vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện rồi hết đi và lại đau lại. Cơn đau làm cho chúng ta cảm thấy như có gì ép lên ngực, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như ở sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Khó thở thường xuất hiện đi kèm với cơn đau ngực. Một số triệu chứng khác cũng có thể đi kèm như lạnh toát mồ hôi, nôn hoặc đau đầu nhẹ. Khi có những cơn đau ngực như vậy, hãy đến một bệnh viện gần nhất có thể hoặc đến một bệnh viện có trung tâm tim mạch can thiệp. Hiện nay, tại nước ta đã có hơn 55 trung tâm tim mạch can thiệp trên hơn 20 tỉnh thành trong toàn quốc. Khi nhồi máu cơ tim, các bạn nên đến những trung tâm tim mạch can thiệp này.
Ai là người dễ bị nhồi máu cơ tim?
Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.
Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
Những bệnh nhân có đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.
Y sĩ cảnh báo những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.
Nhận biết và đến bệnh viện sớm, cơ hội sống càng tăng
Hiện nay, các phương pháp tim mạch can thiệp có thể giúp mở thông lại động mạch vành giúp lập lại dòng máu và cứu sống bệnh nhân. Các phương pháp tim mạch can thiệp này có thể giúp cho bệnh nhân giảm triệu chứng, làm bệnh nhẹ đi, dự phòng hoặc giảm tối đa tổn thương cơ tim.
Khi nhồi máu cơ tim, việc tiến hành các phương pháp can thiệp nhanh nhất có thể sẽ giúp cơ hội cho người bệnh cải thiện được nhiều nhất tiên lượng bệnh nhân. Phương pháp này có hiệu quả nhất nếu chúng ta làm trong giờ đầu tiên sau khi có nhồi máu hoặc ít hơn 6 tiếng sau nhồi máu sẽ thu hiệu quả nhiều hơn. Chậm trễ hơn mỗi giờ sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Vì vậy, cần đến bệnh viện có trung tâm can thiệp sớm nhất có thể.
Nguồn: SKDS