Tâm sự của một số Y Bác sĩ về nỗi lòng của những người làm Ngành Y và nguyên nhân dẫn đến việc Ngành Y không còn “hot” như người ta vẫn nhầm tưởng.
Nguyên nhân các Trường Y Dược tuyển sinh thiếu số lượng
Vừa qua dư luận cũng đang dậy sóng trước trào lưu các bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc, trường ĐH Y phải hạ điểm…rồi vụ việc nữ tiếp viên hàng không bị một cái tát mà khách hàng phải bồi thường 15 triệu đồng cùng với cấm bay trong 6 tháng, trong khi nhân viên y tế bị hành hung thì chẳng có chế tài nào để bênh vực…
Những vấn đề tưởng chừng như nhỏ lẻ lại đang góp thành làn sóng mạnh mẽ khiến cho những hoài nghi về việc các Trường Y Dược tuyển sinh thiếu số lượng. Người thì cho rằng đã hết thời “nhất y, nhì dược” mà chuyển sang ngoại thương, công an, kinh tế… Người khác lại cho rằng ngành y học vất vả thời gian nhiều hơn các ngành khác nhưng ra trường đồng lương không đủ, nguy cơ bị hành hung bất cứ lúc nào nên chẳng ai muốn theo… Cũng có những ý kiến phân tích sâu rộng thì cho rằng là do nguyên nhân khác như đặc thù tuyển sinh năm nay.
Chế độ đãi ngộ không xứng đáng
Bạn đọc có nick Facebook Chu Phuong cũng tâm sự: Đầu vào thì khó mà đầu ra không có. Đi học bao nỗi gian truân vất vả ra trường đi làm lương thì thấp. Phụ nữ không có thời gian để chăm sóc gia đình con cái. Áp lực công việc thì nhiều. Nói chung là cái nghề này xã hội hay lên án và thật hơn là coi thường nhân viên y tế.
Một bác sĩ đã cống hiến cho ngành y hơn 35 năm cũng phải thốt trên Facebook rằng, 35 năm trong nghề cũng thấy nghề này thật bạc bẽo: học cả đời mà lương và đãi ngộ thì không xứng với công sức và trách nhiệm đã bỏ ra. Lúc cần thì bệnh nhân săn đón, xong rồi hoặc không vừa ý sẵn sàng xổ toẹt. Trong khi đó sẵn sang quị lụy CA hoặc công quyền… Tương tự, bạn đọc có địa chỉ kientrung652005… viết, Nghề y bây giờ bị xã hội đối xử thật bạc bẽo. Minh cũng đang quá chán nản với nghề, dẫu đã 30 năm công tác rồi mà nhiều khi cũng muốn bỏ đi cho thanh thản. Cũng may mà con trai minh nó nhất quyết không theo nghề của bố.
“mình đang học y. Và chắc chắn 1 điều mình sẽ không cho cho con cháu mình học y ….. Mệt mỏi. Bất công. Áp lực. Và đôi lúc không được coi như 1 con người .. “chia sẻ của Facebook có tên Duyên Kận
Facebook có tên Hoa Cỏ Mùa Xuân khẳng định, quá chuẩn luôn, thành quả thì nhắc qua loa còn xảy ra cái gì là thông tin bùng nổ, trong khi các ngành khác đầy dãy tiêu cực vẫn thản nhiên chém dân có sao đâu.
Thẳng thắn hơn, bạn Ngọc Thúy Nguyễn cho rằng, quả thực đây là 1 thông tin buồn. Nếu khi các em khóa dưới nhờ tư vấn chọn giữa nghề y và kinh tế thì em phải khuyên các em chân thành nên chọn kinh tế. Vì quá trình học sẽ đỡ vất vả và thu gọn thời gian hơn rất nhiều. Học ngành y khi tốt nghiệp cầm được tấm bằng đại học thì các bạn trường khác cùng thời điểm đó có thêm tấm bằng cao học rồi! Hay nhiều người còn học Trung cấp Y để tiết kiệm thời gian. Cơ hội việc làm thì ngành nào cũng vậy, nếu làm tư thì do năng lực của bản thân, nhà nước thì đều tốn thóc cả… ngành y thì chăm sóc sức khỏe cho gia đình tốt hơn nhưng khi em học giỏi kinh tế với mức lương cao em có thể tìm được cơ sở chăm sóc sức khỏe cao cấp ….vậy đấy!
Ngành Y không còn được trọng vọng
Tiếp nối những suy nghĩ của Bạn Ngọc Thúy Nguyễn, bạn Oanh Bui viết, có nghĩa là sắp tới chả ai muốn theo ngành y, 6 đến 7 năm mới đào tạo được bác sỹ, 2 năm mới có bác sỹ chuyên khoa 1, tính sơ bộ thì phải 10 năm mới có được bác sỹ giỏi… theo đà này ngành y chả ai muốn vào nữa vì không được trọng vọng.
Tuy nhiên ở góc nhìn rộng hơn, bạn Quang Lâm chia sẻ, đây là hệ luỵ của nền giáo dục Việt Nam không những ngành y mà rất nhiều ngành khác. Thất nghiệp quá nhiều. Bạn Hong Nguyen Thi kiến nghị “Quan trọng là những người lãnh đạo ngành cần phải biết và hành động như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ ngành y chứ toàn thấy bác sỹ kêu ca mãi mà lãnh đạo không thấy đâu. Nhưng có ca nào kỷ luật thì lại lên tiếng rất nhanh!..” .
Bạn Nguyễn Mạnh Lực chia sẻ, cứ ném đá ngành y đi rồi cũng đến lúc bệnh viện đầy bệnh nhân mà người làm không có thì lúc đấy tự dư luận nhận hậu quả do chính họ đã ruồng bỏ thôi. Ném người ta nhiều quá bọn trẻ bây giờ thấy y bác sỹ khiếp không dám theo ngành này. Rồi viễn cảnh người bệnh sẽ đi về đâu đây, có lẽ lúc đấy dân tình sẽ chuộng thầy cúng thì tốt hơn thầy thuốc.
Vẫn còn rất nhiều ý kiến về câu chuyện của ngành y, trong đó đa phần là những nỗi lòng của người làm trong nghề. Họ đều có chung một nhận xét là “mệt mỏi”, “trong chán ngoài thèm….”. Facebook bác sĩ Chu Quốc Tuấn nhận xét thẳng thắn, “họ nhìn vào mấy ông bác sĩ giàu sụ nên cho rằng làm bác sĩ giàu có, nhưng số lượng bác sĩ giàu rất ít trong hàng trăm nghìn y bác sĩ đang làm việc cực nhọc bất kể ngày đêm. Điều này cũng giống như có một vài người nhận phong bì nhưng tất cả nhân viên ngành y đều được quy vào việc nhận phong bì…”.